Xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, một trong những địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh, chủ yếu là dân tộc thiểu số ít người sinh sống như Chứt, Vân Kiều.
Những người dân tộc trên vì được phát hiện muộn nên hòa nhập với cộng đồng chưa lâu, vấn đề lớn nhất và đáng lo ngại nhất có lẽ là hôn nhân cận huyết, tảo hôn và sinh đẻ không có kế hoạch.
Theo báo Gia Đình và Xã Hội, trong gần 10 năm công tác, anh Đinh Minh Thuận (cán bộ phụ trách dân số xã Dân Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình) mừng nhất là việc trong 5 năm trở lại đây toàn xã Dân Hóa không có thêm các cặp hôn nhân cận huyết.
Anh Đinh Minh Thuận (áo trắng, ở giữa) hướng dẫn đồng bào cách dùng thuốc tránh thai và tuyên truyền về hôn nhân cận huyết
“Kết quả trên không chỉ có cán bộ mà chính bà con cũng vui mừng. Hôn nhân cận huyết khiến nhiều cặp vợ chồng có con bị khuyết tật. Đồng bào nghĩ Giàng (ma núi) trách tội vì không sinh đẻ trong hang của Giàng. Giờ đây sau khi được tuyên truyền, kiểm soát chuyện hôn nhân, bà con cười bảo đã “thoát nỗi sợ của Giàng" rồi, anh Minh Thuận chia sẻ.
Các cặp đôi tảo hôn được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, định hướng sinh đẻ có kế hoạch
Dù 5 năm qua, toàn xã Dân Hóa không còn tình trạng hôn nhân cận huyết nhưng nạn tảo hôn vẫn là một trong những bài toán khó đối với cán bộ dân số địa phương. Theo thống kê, riêng năm 2020, toàn xã Dân Hóa có 11 cặp tảo hôn trong khoảng 15 – 17 tuổi.
“Việc tuyên truyền, kiểm soát nạn tảo hôn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cặp đôi cùng nhau quyên sinh nếu cán bộ không cho cưới, một số khác cán bộ và cộng tác viên phải mất cả tháng mới thuyết phục được", anh Thuận tâm sự.
Ngoài vấn nạn trên, với những hộ dân đã có 2 – 3 con, các cán bộ và cộng tác viên dân số phải tuyên truyền, hướng dẫn chị em cách uống thuốc tránh thai và sử dụng các biện pháp phòng tránh thai.
“Câu chuyện dở khóc dở cười nhất khi cán bộ và cộng tác viên tuyên truyền đến đồng bào là khi vừa rời khỏi, người dân đã lấy bao cao su cho con thổi bóng, lấy thuốc tránh thai cho gà ăn" anh Đinh Minh Thuận tâm sự.
Một trong những hủ tục nguy hiểm đáng nói khác đã cướp đi tính mạng của nhiều bà mẹ trẻ là sinh đẻ trong những lán trại, hang hốc tận rừng sâu. Để khai thông tư tưởng cho bà con, cán bộ dân số phải liên tục động viên, tập huấn cho các bà đẻ.
Cán bộ dân số và chính đồng bào đều vui mừng khi trẻ em sinh ra tại trạm y tế đều an toàn, khỏe mạnh
Kết quả, nhiều năm qua, bà con không còn chọn hình thức sinh đẻ tại lán trại một mình như trước, đa phần đều đến trạm y tế của xã để sinh con. Đối với các trường hợp còn bảo thủ, các cộng tác viên dân số sáng chiều hai lượt đều phải vào tận nhà để “canh" vì không hiếm bà con vẫn trốn vào rừng để sinh.
Tổng kết năm 2020, toàn xã Dân Hóa có thêm 86 con em đồng bào ra đời, trong đó chỉ có 22 trẻ không thực hiện sinh đẻ tại trạm y tế nhưng đều được theo dõi y tế sát sao. Hầu hết các cặp tảo hôn đều được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, định hướng sinh đẻ có kế hoạch, các cặp vợ chồng được hướng dẫn sử dụng thành thạo các biện pháp tránh thai.
Vừa qua, chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc rất ít người giai đoạn năm 2021-2030" đã được Chính phủ đã phê duyệt. Các cán bộ và cộng tác viên dân số tại tỉnh Quảng Bình vẫn đang nỗ lực để hóa giải bài toán hủ tục, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.